Thứ Ba, 12 tháng 2, 2019

TÒA TUYÊN VÔ HIỆU HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG DO GIẢ TẠO


Ngày 11 tháng 10 năm 2018, Tòa án nhân dân Quận Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng đã tiến hành xét xử vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Ngân hàng TMCP K và bị đơn ông T.T.B và vợ là bà Đ.T.Q
Xác lập Hợp đồng vay tiền để “đảm bảo việc làm”     
Theo nội dung vụ án : Ngày 10 tháng 04 năm 2009, Ngân hàng TMCP K và ông T.T.B xác lập Hợp đồng cộng tác viên tín dụng số 2008/HĐTC-2009, để thực hiện công việc cộng tác viên tín dụng Ngân hàng TMCP K đã yêu cầu ông B phải thực hiện biện pháp đảm bảo để ràng buộc trách nhiệm của ông B đối với Ngân hàng.     
Cụ thể, Ngân hàng TMCP K đã buộc ông T.T.B và bà Đ.T.Q ký hợp đồng tín dụng số 000258/HĐTD ngày 06/04/2009 vay số tiền 400.000.000 đồng và Hợp đồng tín dụng số 00411/HĐTD ngày 30/09/2009 vay số tiền 260.000.000. Để đảm bảo nghĩa vụ trả tiền, các bên đã tiến hành ký kết Hợp đồng thế chấp số 0227/HĐTC ngày 07/04/2009, phụ lục Hợp đồng thế chấp số 01 ngày 07/10/2009 để thế chấp tài sản là nhà và đất của ông B và bà Q đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở. Tiếp đó, trong cùng 01 ngày Ngân hàng TMCP đã tiến hành làm 02 sổ tiết kiệm đứng tên ông T.T.B là sổ tiết kiệm số CA 110113 ngày 10/04/2009 với số tiền 400.000.000 đồng và sổ tiết kiệm số CA 110844 ngày 09/10/2009 với số tiền 260.000.000 đồng, bằng đúng với số tiền ông B và bà Q đã ký trong 02 Hợp đồng tín dụng. Sau khi lập 02 sổ tiết kiệm, ông B và Ngân hàng TMCP K ký tiếp 02 Hợp đồng cầm cố tài sản số 01/HĐCC-GN ngày 10/04/2009 và Hợp đồng cầm cố tài sản số 0372/HĐCC-GN ngày 09/10/2009, tài sản cầm cố là 02 số tiết kiệm đã lập.     
Theo Nguyên đơn, do ông B thiếu đôn đốc những khách hàng mà ông thẩm định để cho vay tín chấp đã không trả nợ đúng hạn, đồng thời ông B không có thiện chí cùng Ngân hàng đi đòi nợ những khách hàng nêu trên nên Ngân hàng TMCP K đã khấu trừ số tiền mà ông B đã thế chấp bằng 02 sổ tiết kiệm để đảm bảo các khoản vay của khách hàng và đã tất toán 02 sổ tiết kiệm mà ông B cầm cố. Sau khi không đôn đốc được việc khách hàng trả nợ ông B đã tự ý nghỉ việc.     
Vì vậy, Ngân hàng TMCP K đề nghị Tòa án tuyên buộc ông B, bà Q phải thanh toán dứt điểm khoản nợ nêu trên và tiền lãi phát sinh tính tới thời điểm ngày 08/10/2018 là 1.258.754.439 đồng. Trường hợp, ông B và Q không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì Ngân hàng đề nghị Tòa án xử lý tài sản thế chấp thuộc quyền sử dụng, sở hữu của ông B, bà Q là nhà và đất theo Hợp đồng thế chấp số 0227/HĐTC ngày 07/04/2009, phụ lục Hợp đồng thế chấp số 01 ngày 07/10/2009.Bị đơn yêu cầu Tòa án bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn, đồng thời đưa ra yêu cầu phản tố đề nghị Tòa án tuyên bố các Hợp đồng tín dụng số 000258/HĐTD ngày 06/04/2009 và Hợp đồng tín dụng số 00411/HĐTD ngày 30/09/2009; Hợp đồng thế chấp số 0227/HĐTC ngày 07/04/2009, phụ lục Hợp đồng thế chấp số 01 ngày 07/10/2009; Hợp đồng cầm cố tài sản số 01/HĐCC-GN ngày 10/04/2009 và Hợp đồng cầm cố tài sản số 0372/HĐCC-GN ngày 09/10/2009 vô hiệu. Đồng thời, buộc Ngân hàng TMCP K phải thanh lý Hợp đồng tín dụng, tất toán các khoản nợ và giải quyết tài sản đảm bảo, giao lại bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông B, bà Q.

Bác yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn, chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của Bị đơn     

Tòa án xác định việc ký kết các Hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, hợp đồng cầm cố là giả tạo nhằm che dấu mục đích thực sự đó là Ngân hàng ràng buộc trách nhiệm với những cộng tác viên ngân hàng. Số tiền trong sổ tiết kiệm được xem như một khoản tiền ký quỹ đảm bảo cho công việc của cộng tác viên và hiện nay danh sách những khách hàng vay tiền của Ngân hàng TMCP K do ông B phụ trách vẫn còn thì Ngân hàng TMCP K có quyền khởi kiện những người này để trả nợ.     
Việc ký kết 02 Hợp đồng tín dụng thực chất là để ngụy tạo cho một giao dịch khác, đó là để đảm bảo cho Hợp đồng lao động của ông B tại Ngân hàng TMCP K. Như vậy việc ký 02 Hợp đồng tín dụng là giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo, giữa Nguyên đơn và bị đơn không hề tồn tại giao dịch vay tài sản.    
Do đó, Tòa án nhân dân Quận Sơn Trà đã tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn và chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn đối với việc tuyên Hợp đồng tín dụng số 000258/HĐTD ngày 06/04/2009 và Hợp đồng tín dụng số 00411/HĐTD ngày 30/09/2009; Hợp đồng thế chấp số 0227/HĐTC ngày 07/04/2009, phụ lục Hợp đồng thế chấp số 01 ngày 07/10/2009; Hợp đồng cầm cố tài sản số 01/HĐCC-GN ngày 10/04/2009 và Hợp đồng cầm cố tài sản số 0372/HĐCC-GN ngày 09/10/2009 vô hiệu và buộc Ngân hàng TMCP K phải thanh lý Hợp đồng tín dụng, tất toán các khoản nợ và giải quyết tài sản đảm bảo, giao lại bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông B, bà Q.
Theo quy định của Bộ luật dân sự 2005 :
Điều 129. Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo
Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch giả tạo vô hiệu, còn giao dịch bị che dấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp  giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này. Trong trường hợp xác lập giao dịch giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch đó vô hiệu.
Điều 137. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu
1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.
-----------------------------------
Luật sư Lê Xuân Cảnh - Công ty Luật DanalawTạp chí Luật sư số 12 (58/2018)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét