Thứ Hai, 30 tháng 5, 2022

LÃI SUẤT CHẬM THANH TOÁN TRONG TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG - THỰC TIỄN XÉT XỬ VÀ HƯỚNG GIẢI QUYẾT

    Luật sư Lê Xuân Cảnh – Công ty Luật CTT và Cộng sự

Tóm tắt: Theo thống kê của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), trong số các vụ kiện tranh chấp hợp đồng mà VIAC giải quyết thì 10 - 15% là hợp đồng xây dựng, trong đó có đến 66% vụ kiện liên quan tới tranh chấp về việc thanh toán. Ngoài ra, một số lượng lớn vụ án tranh chấp hợp đồng xây dựng khác được thụ lý và giải quyết bởi Tòa án nhân dân các cấp theo thẩm quyền luật định. Tuy nhiên, thực tiễn công tác giải quyết và xét xử, đặc biệt ở Tòa án nhân dân các cấp cho thấy, việc áp dụng pháp luật về việc tính lãi suất chậm thanh toán đối với các tranh chấp hợp đồng xây dựng chưa thống nhất và còn nhiều sai khác giữa các Tòa án. Do đó, bài viết sẽ tập trung phân tích các quy định của pháp luật hiện hành về cách tính lãi suất chậm thanh toán trong lĩnh vực xây dựng và thực tiễn hoạt động xét xử của Tòa án hiện nay.

1. Cơ sở pháp lý

    Hiện nay, đối với hợp đồng xây dựng được điều chỉnh bởi Luật Xây dựng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Luật Thương mại năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015. Do đó, đây là cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp hợp đồng xây dựng cũng như xem xét việc áp dụng cách tính lãi suất chậm thanh toán đối với các tranh chấp liên quan đến việc thanh toán.

    Theo đó, cách tính lãi suất chậm thanh toán ở các văn bản pháp luật điều chỉnh để giải quyết tranh chấp được nêu ở trên có sự khác nhau, cụ thể:

    (1) Theo Nghị định số 37/2015/NĐ-CP[1] về quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng, thì lãi suất chậm trả theo lãi suất quá hạn do ngân hàng thương mại nơi bên nhận thầu mở tài khoản thanh toán công bố tương ứng với các thời kỳ chậm thanh toán và được tính từ ngày đầu tiên chậm thanh toán cho đến khi bên giao thầu đã thanh toán đầy đủ cho bên nhận thầu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

    (2) Theo Luật Thương mại năm 2005[2] thì tiền lãi chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

    (3) Theo Bộ luật Dân sự 2015[3] thì lãi suất chậm trả do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 20%/năm, đối với trường hợp không có thỏa thuận thì lãi suất chậm trả là 10%/năm và tương ứng với thời gian chậm trả.

    Như vậy, áp dụng nguyên tắc áp dụng luật chuyên ngành thì đối với việc giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng có yêu cầu tính lãi suất chậm trả, thì thứ tự ưu tiên áp dụng được sắp xếp như sau[4]: Luật Xây dựng; Luật Thương mại; Bộ luật Dân sự.

2. Thực tiễn hoạt động xét xử của Tòa án và hướng giải quyết

    Như đã phân tích ở trên, do có nhiều quy định cùng điều chỉnh về việc tính lãi suất chậm trả đối với tranh chấp hợp đồng xây dựng, nên có sự lúng túng và chưa có sự thống nhất giữa các Tòa án khi tiến hành việc giải quyết vụ án.

    Trong đó, đa số các Tòa án khi tiến hành giải quyết tranh chấp về hợp đồng xây dựng đều xác định đây là tranh chấp kinh doanh thương mại do hợp đồng được giao kết giữa các/bên chủ thể là thương nhân và đều có mục đích sinh lời. Do đó, khi tiến hành giải quyết yêu cầu tính lãi suất chậm thanh toán thường có xu hướng ưu tiên áp dụng Luật Thương mại năm 2005 để làm căn cứ tính lãi suất.

    Trong một số vụ án nhất định, điều này lại không phù hợp với quy định của pháp luật vì đã không tuân thủ thứ tự ưu tiên áp dụng ở trên, bởi lẽ đối với một số trường hợp thuộc phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP thì phải áp dụng quy định về tính lãi suất chậm trả theo khoản 2 Điều 43 của Nghị định này.

    Ví dụ: Theo nội dung Bản án kinh doanh thương mại số 10/2020/KDTM-PT[5] ngày 10/06/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Đ về tranh chấp hợp đồng xây dựng giữa Công ty TNHH Xây dựng TM-DV L và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ A về việc nhận thi công hạng mục thoát nước dọc thuộc Dự án phát triển bền vững Đ theo Hợp đồng số 51/2016/HĐKT/AT-LHB với yêu cầu đúng hồ sơ thiết kế, các yêu cầu kỹ thuật theo điều kiện hợp đồng của Hợp đồng chính số 24/2015/HĐKT giữa Công ty A và NLQ4.

    Theo đó, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm nhận định đối với yêu cầu tính tiền lãi suất chậm thanh toán như sau: “Theo quy định tại Điều 306 Luật Thương mại và Điều 11 và Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP thì Công ty A phải chịu mức lãi suất theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình của 03 Ngân hàng: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tại thời điểm xét xử sơ thẩm là 18,675%/năm. Tuy nhiên, Công ty L chỉ yêu cầu áp dụng mức lãi suất 12%/năm là thấp hơn so với mức lãi suất mà Công ty A phải chịu, nên Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận là phù hợp”.

    Đối với ví dụ nêu trên, việc Công ty A và Công ty L ký kết hợp đồng thi công hạng mục thoát nước dọc thuộc Dự án phát triển bền vững Đ là Dự án đầu tư xây dựng của Ủy ban nhân dân thành phố Đ. Do đó, Công ty A và Công ty L phải được xác định là tổ chức liên quan đến việc xác lập và quản lý thực hiện hợp đồng thuộc dự án đầu tư xây dựng của cơ quan nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 22 Điều 1 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP.

    Vì vậy, đối với yêu cầu tính tiền lãi chậm trả của Công ty L đối với Công ty A, thì chúng tôi cho rằng, phải áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 43 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP để giải quyết, cụ thể lãi suất chậm trả theo lãi suất quá hạn do Ngân hàng thương mại nơi bên nhận thầu mở tài khoản thanh toán công bố tương ứng với các thời kỳ chậm thanh toán và được tính từ ngày đầu tiên chậm thanh toán cho đến khi bên giao thầu đã thanh toán đầy đủ cho bên nhận thầuthì mới phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

    Đối với thực trạng nói trên, chúng tôi cho rằng, về cơ sở pháp lý để giải quyết yêu cầu tính tiền lãi chậm trả trong tranh chấp hợp đồng xây dựng đã đầy đủ. Nhưng việc áp dụng pháp luật còn chưa thống nhất giữa các Tòa án gây nên những lúng túng cho đương sự khi tham gia giải quyết vụ án, cũng như việc các bản án của Tòa án cấp dưới có thể bị sửa, hủy hoặc bị xem xét giám đốc thẩm do áp dụng sai pháp luật khiến cho vụ án kéo dài.

    Do đó, để giải quyết vấn đề trên, Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành văn bản hướng dẫn để Tòa án các cấp thực hiện hoặc ban hành các án lệ để việc áp luật pháp luật trong quá trình xét xử được thống nhất và đúng pháp luật./.



[1] Khoản 2 Điều 43 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng.

[2] Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 và Điều 11 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm.

[3] Điều 357 và Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

[4] Ls. Trương Nhật Quang - Ls. Lê Trần Quỳnh Thi, Nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật về hợp đồng (đề nghị bổ sung thông tin đăng Tạp chí nào, số/năm?).

[5] Bản án số 10/2020/KDTM-PT ngày 10/6/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Đ về việc tranh chấp hợp đồng xây dựng, http://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta506318t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 14/12/2021.

Nguồn: (https://lsvn.vn/lai-suat-cham-thanh-toan-trong-tranh-chap-hop-dong-xay-dung-thuc-tien-xet-xu-va-huong-giai-quyet1653846440.html)

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2020

MỘT SỐ BẤT CẬP TRONG QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN QUY ĐỊNH VỀ NGƯỜI BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA BỊ HẠI THEO ĐIỀU 84 BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ


LS. LÊ XUÂN CẢNH  
Công ty Luật Danalaw
Quy định về bị hại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại nói chung và Luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích pháp cho bị hại nói riêng trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015 được kế thừa và phát triển các quy định của BLTTHS 2003.
Theo đó, BLTTHS 2015 đã có một số thay đổi, bổ sung như: tách riêng bị hại ra khỏi phạm trù khái niệm đương sự (điểm g khoản 1 Điều 4); mở rộng khái niệm bị hại về đối tượng bao gồm cá nhân và pháp nhân; đưa ra định nghĩa về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại; bổ sung quy định Trợ giúp viên pháp lý có thể là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại.
Tuy nhiên, trong thực tế quá trình thực hiện quy định của Điều 84 BLTTHS 2015 về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp vẫn cho thấy nhiều bất cập và trong phạm vi bài viết này tác giả phân tích các bất cập, từ đó đề xuất/kiến nghị các giải pháp hoàn thiện.
   
1. Bất cập trong quá trình thực hiện quy định về việc tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại của Luật sư và kiến nghị
1.1. Xác định thời điểm tham gia tố tụng
Hiện nay, theo quy định tại Điều 84 BLTTHS 2015 về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự không có quy định về thời điểm tham gia tố tụng, dẫn đến việc không xác định được thời điểm nào Luật sư được tham gia tố tụng để bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại.
Mặc dù, trước đây BLTTHS 2003 có quy định về thời điểm Luật sư được tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can (khoản 2 Điều 59) nhưng so với thực tế hiện nay vẫn còn bất cập, vì như vậy là quá muộn. Ví dụ như các vụ án tai nạn giao thông gây chết người, thì đa số sau khi xảy ra tai nạn, người nhà của bị hại đều tập trung lo đám tang cho bị hại, còn việc điều tra, xác minh vụ tai nạn đều do Cơ quan điều tra tiến hành, nhưng rất nhiều trường hợp Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vì chưa đủ căn cứ khởi tố vụ án và cũng chưa đủ cơ sở để ra quyết định không khởi tố vụ án, nên rất cần có sự hỗ trợ và tư vấn của Luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại.
Do đó, theo tác giả, Luật sư bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại cần được tham gia vào bất kỳ thời điểm nào khi có đơn mời Luật sư để có thể giúp bị hại thực hiện việc thu thập, cung cấp các chứng cứ hoặc đưa ra kiến nghị về việc điều tra để chứng minh tội phạm làm cơ sở khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
1.2. Thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại
Theo quy định của BLTTHS 2015 cũng như các văn bản hướng dẫn đều không có quy định hướng dẫn về thủ tục, trình tự đăng ký Luật sư tham gia bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại và tại Thông tư số 61/2017/TT-BCA ngày 14/12/2017 của Bộ Công an quy định về biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về điều tra hình sự (Thông tư 61), thì không có biểu mẫu về việc đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp của bị hại.
Trong khi đó, đối với người bào chữa thì BLTTHS 2015 đã có những quy định rất cụ thể về thủ tục đăng ký bào chữa (Điều 78), cũng như ban hành biểu mẫu Thông báo đăng ký/từ chối đăng ký bào chữa (Mục 7 Biểu mẫu sử dụng đối với người bào chữa ban hành kèm theo Thông tư số 61).
Việc thiếu các quy định về thủ tục đăng ký cho Luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại có thể dẫn đến các hệ lụy pháp lý sau:
- Thiếu thống nhất trong việc áp dụng pháp luật: Trên thực tế, khi Luật sư thực hiện thủ tục đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại thì một số cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận việc đăng ký của Luật sư và áp dụng thủ tục đăng ký như đối với người bào chữa và sửa nội dung biểu mẫu Thông báo về việc đăng ký người bào chữa quy định tại Thông tư số 61 thành Thông báo đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại.
Nhưng một số cơ quan tiến hành tố tụng lại viện dẫn việc không có quy định về thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại và không có biểu mẫu, nên đã từ chối việc Luật sư tham gia vào quá trình tố tụng.
- Không thực hiện được các quyền, nghĩa vụ theo quy định của BLTTHS 2015: Trường hợp, Luật sư bị từ chối đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại dẫn đến các quyền và nghĩa vụ được quy định tại khoản 3 Điều 84 BLTTHS 2015 không thể thực hiện trên thực tế và không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại.
Vì vậy, cần thiết phải có văn bản hướng dẫn về thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đồng thời, bổ sung các biểu mẫu liên quan nhằm đảm bảo các quy định tại Điều 84 BLTTHS 2015 được áp dụng đầy đủ.
1.3. Về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại
So với BLTTHS 2003, thì BLTTHS 2015 đã bổ sung một số quyền cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại để cho Luật sư có thể thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích cho bị hại được tốt hơn như: (1) Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá, (2) Yêu cầu giám định, định giá tài sản; (3) Có mặt khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy lời khai, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói của người mà mình bảo vệ; (4) Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; (5) Kháng cáo phần bản án, quyết định của Tòa án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
Tuy nhiên, việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của Luật sư tham gia bảo vệ quyền và nghĩa vụ của bị hại trên thực tế vẫn có một số tranh cãi nhất định như: Luật sư bảo vệ cho bị hại có quyền đề nghị mức án cụ thể đối với bị cáo hay chỉ được đề nghị chung chung về tội danh, việc áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ. Về vấn đề này, mặc dù tại Điều 84 BLTTHS 2015 không quy định, nhưng chiếu theo các quyền và nghĩa vụ của bị hại tại khoản 2 Điều 62 BLTTHS 2015 thì bị hại có quyền Đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường”.
Do đó, theo tác giả, để bảo vệ quyền lợi cho bị hại và với vai trò là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, Luật sư cũng được quyền đề nghị áp dụng mức hình phạt đối với bị cáo, mức bồi thường, biện pháp đảm bảo bồi thường ./.
         


Thứ Ba, 12 tháng 2, 2019

TÒA TUYÊN VÔ HIỆU HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG DO GIẢ TẠO


Ngày 11 tháng 10 năm 2018, Tòa án nhân dân Quận Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng đã tiến hành xét xử vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Ngân hàng TMCP K và bị đơn ông T.T.B và vợ là bà Đ.T.Q
Xác lập Hợp đồng vay tiền để “đảm bảo việc làm”     
Theo nội dung vụ án : Ngày 10 tháng 04 năm 2009, Ngân hàng TMCP K và ông T.T.B xác lập Hợp đồng cộng tác viên tín dụng số 2008/HĐTC-2009, để thực hiện công việc cộng tác viên tín dụng Ngân hàng TMCP K đã yêu cầu ông B phải thực hiện biện pháp đảm bảo để ràng buộc trách nhiệm của ông B đối với Ngân hàng.     
Cụ thể, Ngân hàng TMCP K đã buộc ông T.T.B và bà Đ.T.Q ký hợp đồng tín dụng số 000258/HĐTD ngày 06/04/2009 vay số tiền 400.000.000 đồng và Hợp đồng tín dụng số 00411/HĐTD ngày 30/09/2009 vay số tiền 260.000.000. Để đảm bảo nghĩa vụ trả tiền, các bên đã tiến hành ký kết Hợp đồng thế chấp số 0227/HĐTC ngày 07/04/2009, phụ lục Hợp đồng thế chấp số 01 ngày 07/10/2009 để thế chấp tài sản là nhà và đất của ông B và bà Q đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở. Tiếp đó, trong cùng 01 ngày Ngân hàng TMCP đã tiến hành làm 02 sổ tiết kiệm đứng tên ông T.T.B là sổ tiết kiệm số CA 110113 ngày 10/04/2009 với số tiền 400.000.000 đồng và sổ tiết kiệm số CA 110844 ngày 09/10/2009 với số tiền 260.000.000 đồng, bằng đúng với số tiền ông B và bà Q đã ký trong 02 Hợp đồng tín dụng. Sau khi lập 02 sổ tiết kiệm, ông B và Ngân hàng TMCP K ký tiếp 02 Hợp đồng cầm cố tài sản số 01/HĐCC-GN ngày 10/04/2009 và Hợp đồng cầm cố tài sản số 0372/HĐCC-GN ngày 09/10/2009, tài sản cầm cố là 02 số tiết kiệm đã lập.     
Theo Nguyên đơn, do ông B thiếu đôn đốc những khách hàng mà ông thẩm định để cho vay tín chấp đã không trả nợ đúng hạn, đồng thời ông B không có thiện chí cùng Ngân hàng đi đòi nợ những khách hàng nêu trên nên Ngân hàng TMCP K đã khấu trừ số tiền mà ông B đã thế chấp bằng 02 sổ tiết kiệm để đảm bảo các khoản vay của khách hàng và đã tất toán 02 sổ tiết kiệm mà ông B cầm cố. Sau khi không đôn đốc được việc khách hàng trả nợ ông B đã tự ý nghỉ việc.     
Vì vậy, Ngân hàng TMCP K đề nghị Tòa án tuyên buộc ông B, bà Q phải thanh toán dứt điểm khoản nợ nêu trên và tiền lãi phát sinh tính tới thời điểm ngày 08/10/2018 là 1.258.754.439 đồng. Trường hợp, ông B và Q không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì Ngân hàng đề nghị Tòa án xử lý tài sản thế chấp thuộc quyền sử dụng, sở hữu của ông B, bà Q là nhà và đất theo Hợp đồng thế chấp số 0227/HĐTC ngày 07/04/2009, phụ lục Hợp đồng thế chấp số 01 ngày 07/10/2009.Bị đơn yêu cầu Tòa án bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn, đồng thời đưa ra yêu cầu phản tố đề nghị Tòa án tuyên bố các Hợp đồng tín dụng số 000258/HĐTD ngày 06/04/2009 và Hợp đồng tín dụng số 00411/HĐTD ngày 30/09/2009; Hợp đồng thế chấp số 0227/HĐTC ngày 07/04/2009, phụ lục Hợp đồng thế chấp số 01 ngày 07/10/2009; Hợp đồng cầm cố tài sản số 01/HĐCC-GN ngày 10/04/2009 và Hợp đồng cầm cố tài sản số 0372/HĐCC-GN ngày 09/10/2009 vô hiệu. Đồng thời, buộc Ngân hàng TMCP K phải thanh lý Hợp đồng tín dụng, tất toán các khoản nợ và giải quyết tài sản đảm bảo, giao lại bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông B, bà Q.

Bác yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn, chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của Bị đơn     

Tòa án xác định việc ký kết các Hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, hợp đồng cầm cố là giả tạo nhằm che dấu mục đích thực sự đó là Ngân hàng ràng buộc trách nhiệm với những cộng tác viên ngân hàng. Số tiền trong sổ tiết kiệm được xem như một khoản tiền ký quỹ đảm bảo cho công việc của cộng tác viên và hiện nay danh sách những khách hàng vay tiền của Ngân hàng TMCP K do ông B phụ trách vẫn còn thì Ngân hàng TMCP K có quyền khởi kiện những người này để trả nợ.     
Việc ký kết 02 Hợp đồng tín dụng thực chất là để ngụy tạo cho một giao dịch khác, đó là để đảm bảo cho Hợp đồng lao động của ông B tại Ngân hàng TMCP K. Như vậy việc ký 02 Hợp đồng tín dụng là giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo, giữa Nguyên đơn và bị đơn không hề tồn tại giao dịch vay tài sản.    
Do đó, Tòa án nhân dân Quận Sơn Trà đã tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn và chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn đối với việc tuyên Hợp đồng tín dụng số 000258/HĐTD ngày 06/04/2009 và Hợp đồng tín dụng số 00411/HĐTD ngày 30/09/2009; Hợp đồng thế chấp số 0227/HĐTC ngày 07/04/2009, phụ lục Hợp đồng thế chấp số 01 ngày 07/10/2009; Hợp đồng cầm cố tài sản số 01/HĐCC-GN ngày 10/04/2009 và Hợp đồng cầm cố tài sản số 0372/HĐCC-GN ngày 09/10/2009 vô hiệu và buộc Ngân hàng TMCP K phải thanh lý Hợp đồng tín dụng, tất toán các khoản nợ và giải quyết tài sản đảm bảo, giao lại bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông B, bà Q.
Theo quy định của Bộ luật dân sự 2005 :
Điều 129. Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo
Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch giả tạo vô hiệu, còn giao dịch bị che dấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp  giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này. Trong trường hợp xác lập giao dịch giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch đó vô hiệu.
Điều 137. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu
1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.
-----------------------------------
Luật sư Lê Xuân Cảnh - Công ty Luật DanalawTạp chí Luật sư số 12 (58/2018)

Thứ Năm, 14 tháng 6, 2018

HÌNH THỨC ỦY QUYỀN CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC ĐỂ THỰC HIỆN VIỆC KHÁNG CÁO TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ

Kháng cáo là việc những người tham gia tố tụng đề nghị Tòa án cấp trên trực tiếp, xét lại bản án và quyết định của Tòa án cấp Sơ thẩm đang trong thời hạn kháng cáo nhằm đảm bảo cho họ có điều kiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi Tòa án giải quyết vụ án[1].
Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 có 05 điều luật quy định về việc thực hiện quyền kháng cáo của đương sự đối với bản án/quyết định của Tòa án cấp Sơ thẩm, cụ thể:      
 - Điều 271. Người có quyền kháng cáo
 - Điều 272. Đơn kháng cáo
 - Điều 273. Thời hạn kháng cáo
 - Điều 274. Kiểm tra đơn kháng cáo
 - Điều 275. Kháng cáo quá hạn và xem xét kháng cáo quá hạn
 Đối với trường hợp người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức ủy quyền cho người khác kháng cáo thì quy định như sau :
 - Khoản 4 Điều 272 BLTTDS 2015: “Người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của đương sự là cơ quan, tổ chức; họ, tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức. Ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo pháp luật phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó, trường hợp doanh nghiệp kháng cáo thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật doanh nghiệp.
 Trường hợp người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức ủy quyền cho người khác kháng cáo thì tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo ủy quyền, của đương sự là cơ quan, tổ chức ủy quyền; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của đương sự là cơ quan, tổ chức ủy quyền; họ, tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức đó và văn bản ủy quyền. Ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo ủy quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ.”
 - Khoản 6, Điều 272 BLTTDS 2015: “Việc ủy quyền quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này phải được làm thành văn bản có công chứng, chứng thực hợp pháp, trừ trường hợp văn bản ủy quyền đó được lập tại Tòa án có sự chứng kiến của Thẩm phán hoặc người được Chánh án Tòa án phân công. Trong văn bản ủy quyền phải có nội dung đương sự ủy quyền cho người đại diện theo ủy quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm.”
 Như vậy, có thể hiểu hình thức ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức cho người khác kháng cáo được thực hiện như sau : (1) Lập văn bản ủy quyền có công chứng, chứng thực hợp pháp, trừ trường hợp văn bản ủy quyền đó được lập tại Tòa án có sự chứng kiến của Thẩm phán hoặc người được chánh án Tòa án phân công, (2) Văn bản ủy quyền phải có nội dung đương sự ủy quyền cho người đại diện theo ủy quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm, (3) Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo ủy quyền, của đương sự là cơ quan, tổ chức ủy quyền; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của đương sự là cơ quan, tổ chức ủy quyền; họ, tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức đó và văn bản ủy quyền. Ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo ủy quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ.
Tuy nhiên, trên thực tế khi thực hiện đã phát sinh vấn đề tranh cãi về quy định “việc ủy quyền phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hợp pháp trừ trường hợp văn bản ủy quyền đó được lập tại Tòa án có sự chứng kiến của Thẩm phán hoặc người được chánh án Tòa án phân công”.
Ví dụ : Ngày 21/08/2017, người đại diện theo pháp luật của Công ty X lập giấy ủy quyền số 176 ủy quyền cho ông A thực hiện công việc sau : “Thay mặt bên ủy quyền làm, nộp và ký đơn kháng cáo bản án số 54/2017/DS-ST ngày 17/08/2017 của TAND Quận H, thay mặt bên ủy quyền tham gia tố tụng tại Phiên tòa Phúc thẩm”.
 Văn bản ủy quyền được người ủy quyền ký, đóng dấu công ty và người được ủy quyền ký tên.
 Ngày 29/08/2017, ông A làm Đơn kháng cáo đối với bản án số 54/2017/DS-ST theo nội dung ủy quyền.
 Đơn kháng cáo có chữ ký của ông A và đóng dấu Công ty X.
 Vấn đề đặt ra là việc hình thức ủy quyền Kháng cáo tại ví dụ nêu trên của Người đại diện theo pháp luật của Công ty X cho ông A có phù hợp với quy định tại khoản 4, khoản 6 Điều 272 BLTTDS 2015. Hiện có 02 luồng quan điểm như sau :
 - Quan điểm thứ nhất : Công ty X là pháp nhân do đó khi ủy quyền cho ông A thực hiện việc kháng cáo thì trong văn bản ủy quyền chỉ cần người đại diện theo pháp luật của Công ty ký và đóng dấu công ty là hợp lệ không cần phải thực hiện việc công chứng, chứng thực. Do đó, Tòa án vẫn tiến hành thụ lý và giải quyết vụ án theo quy định.
 Quan điểm này, hiện nay được đa số các Tòa án chấp nhận khi xem xét việc kháng cáo.
 - Quan điểm thứ hai : Căn cứ vào quy định tại khoản 6, Điều 272 BLTTDS 2015 được viện dẫn ở trên thì mặc dù văn bản ủy quyền của Công ty X  ủy quyền cho ông A đã có ký tên của người đại diện theo pháp luật và đóng dấu Công ty nhưng không thể được xem đã được “công chứng, chứng thực”. Bởi lẽ, việc công chứng/chứng thực được quy định như sau :
 + Khoản 1, Điều 2 Luật công chứng số 53/2014/QH13 giải thích như sau : Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
 + Điều 2 của Nghị định 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch :
§ Chứng thực bản sao từ bản chính là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính.
§ Chứng thực chữ ký là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực.
§ Chứng thực hợp đồng, giao dịch là việc cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
  Như vậy, có đủ cơ sở để khẳng định việc Người đại diện theo pháp Công ty X ký tên và đóng dấu Công ty trong văn bản ủy quyền cho ông A là không hợp lệ, trái với quy định tại khoản 6, Điều 272 BLTTDS 2015. Điều này, kéo theo hậu quả pháp lý là việc Kháng cáo của Công ty X do ông A được ủy quyền thực hiện không hợp lệ.
  Đối với 02 luồng quan điểm trên, tác giả nghiêng về quan điểm thứ hai và cho rằng cần thay đổi nhận thức đối với việc xem xét hình thức văn bản ủy quyền của Người đại diện của Công ty cho cá nhân khi tham gia tố tụng vì không phải đối với văn bản ủy quyền nào của Công ty cho cá nhân do Người đại diện theo pháp luật xác lập, ký tên và đóng dấu Công ty đều được mặc nhiên coi là hợp lệ và không cần xem xét.
 Trên đây, là quan điểm của tác giả đối với vấn đề hình thức ủy quyền thực hiện việc kháng cáo trong tố tụng dân sự. Rất mong nhận được sự góp ý, trao đổi của Ban biên tập và đọc giả của Tạp chí Tòa án.
--------------------------------------------------------
Luật sư Lê Xuân Cảnh - Công ty Luật Danalaw

KIẾN NGHỊ HỦY BỎ ÁN LỆ SỐ 08/2016/AL

Ngày 28 tháng 10 năm 2015, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về “Quy trình lựa chọn công bố và áp dụng án lệ” có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 12 năm 2015 đánh dấu một bước tiến mới trong việc nâng cao năng lực của Tòa án và áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Từ đó, đến nay Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân đã tiến hành lựa chọn, thông qua và công bố 10 án lệ góp phần lớn vào hiệu quả của công tác xét xử trong thời gian qua.
  Tuy nhiên, một số án lệ đã công bố và được áp dụng trong thực tiễn cho thấy có sự mâu thuẫn với các quy định của pháp luật hiện hành dẫn đến việc “lúng túng” trong quá trình giải quyết vụ án của một số Tòa án. Do đó, cần được xem xét hủy bỏ theo tinh thần của Nghị quyết 03/2015/NĐ-HĐTP.
1. Cơ sở pháp lý đối với việc lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ trong quá trình xét xử.
  Tại Nghị quyết số 49 NQ-TW ngày 02 tháng 06 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 xác định các nhiệm vụ cải cách tư pháp : “Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”         .
  Trên tinh thần đó, Điểm c, Khoản 2, Điều 22 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân số 62/2014/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2014 đã có quy định bổ sung  về nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao như sau : “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”.
  Thực hiện Luật tổ chức Tòa án nhân dân số 62/2014/QH13, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2015 NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn công bố và áp dụng án lệ. Theo đó, Nghị quyết này quy định về tiêu chí lựa chọn án lệ; việc thông qua, công bố án lệ và nguyên tắc áp dụng án lệ trong quá trình xét xử cũng như việc hủy bỏ và thay thế án lệ.
  Ngày 06 tháng 04 năm 2016 Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 220/QĐ-CA công bố 06 án lệ được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua và ngày 17 tháng 10 năm 2016 Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục ban hành Quyết định số 698/QĐ-CA công bố 04 án lệ tiếp theo.
  Hiện nay, tất cả 10 án lệ được ban hành đã có hiệu lực áp dụng và được Tòa án nhân dân các cấp và Tòa án quân sự áp dụng trong quá trình xét xử.
2. Vướng mắc trong quá trình xét xử khi áp dụng án lệ số 08/2016/AL
2.1  Nội dung án lệ số 08/2016/AL
Án lệ số 08/2016 được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17 tháng 10 năm 2016 và được công bố theo Quyết định số 698/QĐ-CA của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao có hiệu lực áp dung từ ngày 01 tháng 12 năm 2016.
 Nội dung của án lệ số 08/2016/AL như sau :
 “Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm quyết định: “Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, người phải thi hành án còn phải trả lãi đối với số tiền chậm thi hành án theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm thi hành án” cũng là không đúng. Đối với các khoản tiền vay của tổ chức Ngân hàng, tín dụng, ngoài khoản tiền nợ gốc, lãi vay trong hạn, lãi vay quá hạn, phí mà khách hàng vay phải thanh toán cho bên cho vay theo hợp đồng tín dụng tính đến ngày xét xử sơ thẩm, thì kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm khách hàng vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng cho vay theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng cho vay”.
Theo đó thì nội dung án lệ được hiểu như sau :
(i)  Đối với các khoản tiền vay của tổ chức Ngân hàng, tín dụng, ngoài khoản tiền nợ gốc, lãi vay trong hạn, lãi vay quá hạn, phí mà khách hàng vay phải thanh toán cho bên cho vay theo hợp đồng tín dụng tính đến ngày xét xử sơ thẩm, thì kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm khách hàng vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này.
(ii) Trường hợp trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng cho vay theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng cho vay.   
2.2 Việc áp dụng án lệ số 08/2016/AL trong thực tế xét xử
Mục đích của việc áp dụng án lệ nhằm năng cao hiệu quả công tác xét xử của Tòa án, áp dụng thống nhất pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế việc áp dụng án lệ số 08/2016/AL trong quá trình xét xử ở các Tòa án đang xảy ra nhiều lúng túng, bất cập và mâu thuẫn.
Ví dụ 1:
  Ngày 04 tháng 03 năm 2015, Ông Trịnh Hoàng P và Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng T ký kết Hợp đồng tín dụng số 20141121-142003-0001 vay số tiền 37.128.704 đồng với lãi suất 4,59%/tháng để tiêu dùng cá nhân, trả chậm trong vòng 24 tháng. Thực hiện hợp đồng, ông P đã trả cho Công ty tài chính số tiền 10.340.000 đồng, kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2016 ông P không tiếp tục thanh toán cho Công ty tài chính.
Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng T khởi kiện ông P ra Tòa án nhân dân Thành phố H, Tỉnh Q để giải quyết.
Quan điểm giải quyết vụ án 1 :
Tòa án nhân dân Thành phố H, Tỉnh Q tiến hành xét xử và tuyên buộc :
1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng T đối với bị đơn ông Trịnh Hoàng P.
2.Buộc ông Trịnh Hoàng P phải thanh toán cho Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng T số tiền nợ vay là 51.678.000 đồng. Trong đó, nợ gốc là 33.044.065 đồng và nợ lãi là 18.633.000 đồng.
Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm (12/08/2017), ông Trịnh Hoàng Phi còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này.
Quan điểm giải quyết vụ án 2 :
Tòa án nhân dân Thành phố H, Tỉnh Q tiến hành xét xử và tuyên buộc :
1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng T đối với bị đơn ông Trịnh Hoàng P.
2. Buộc ông Trịnh Hoàng P phải thanh toán cho Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng T số tiền nợ vay là 51.678.000 đồng. Trong đó, nợ gốc là 33.044.065 đồng và nợ lãi là 18.633.000 đồng.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng T có đơn yêu cầu thi hành án mà người thi hành án không thi hành thì phải chịu khoản tiền lãi theo quy định tại Điều 357 và Điều 468 Bộ luật dân sự tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.
 Qua ví dụ 1 có thể thấy, hiện nay việc áp dụng án lệ số 08/2016/AL ở các Tòa án đang không thống nhất đối với cùng một quan hệ, nội dung tranh chấp. Vậy áp dụng quan điểm nào để giải quyết vụ án, tác giả xin phân tích một số khía cạnh của án lệ số 08/2016/AL để làm rõ vấn đề trên như sau :
- Thứ nhất, về thời gian tính lãi chậm thi hành án
 Với nội dung án lệ số 08/2016/AL thì khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc” được hiểu là nghĩa vụ trả lãi sau khi có bản án, quyết định của tòa án hay còn gọi là lãi suất chậm thi hành án.
 Tuy nhiên, nếu theo nội dung án lệ này thì thời gian tính lãi suất chậm thi hành án là chưa phù hợp. Bởi lẽ, thời gian tính lãi suất chậm thi hành án phải được hiểu là thời gian kể từ khi bản án/quyết định đã có hiệu lực pháp luật (đối với trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) mà người phải thi hành án không thi hành án cho đến khi thi hành án xong.
- Thứ hai, về cách tính lãi chậm thi hành án
     Theo nội dung của án lệ số 08/2016/AL thì cách tính lãi suất chậm thi hành án được tính như sau :
(i) Lãi suất chậm thi hành án theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong Hợp đồng tín dụng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc.
(ii) Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng cho vay thì lãi suất chậm thi hành án được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng cho vay.
     Tuy nhiên, Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 lại quy định như sau :
1. Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
2. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này.
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”
  Theo quan điểm của tác giả thì tính lãi suất chậm thi hành án theo án lệ số 08/2016/AL là chưa hợp lý mà phải áp dụng quy định của Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13. Bởi các lẽ sau :
(i)  Lãi suất chậm thi hành án không thể áp dụng lãi suất mà các bên thỏa thuận theo Hợp đồng tín dụng bởi khi đã có quyết định/bản án có hiệu lực pháp luật thì quan hệ giữa các bên theo Hợp đồng đã chấm dứt và làm phát sinh quan hệ quan hệ mới là quan hệ thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án không thực hiện việc thi hành án. Do đó, việc chậm thi hành án của người phải thi hành được coi là việc chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền nên phải áp dụng Điều 357 và Điều 468 Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 mới phù hợp.
(ii) Lãi suất của các Hợp đồng tín dụng cho vay tiêu dùng hiện nay rất cao, có trường hợp lên 60%/năm khiến người vay phải “cồng lưng” để trả nợ và đang là vấn đề gây nhức nhối hiện nay trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng. Do vậy việc áp dụng lãi suất chậm thi hành án theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong Hợp đồng sẽ tạo nên sức ép và gánh nặng rất lớn cho người vay cũng như khả năng thi hành án.
(iii)Theo quy định tại khoản 3, Điều 8 về nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử của Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao quy định như sau : “Trường hợp do có sự thay đổi của Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ mà án lệ không còn phù hợp thì Thẩm phán, Hội thẩm không áp dụng án lệ.”. Do đó, đối với vấn đề tính lãi chậm thi hành án nêu trên thì luật áp dụng để điều chỉnh là Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13.
Như vậy, khi tính lãi suất chậm thi hành án thì lãi suất chậm thi hành án được xác định sẽ do thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất 20%/năm và nếu không có thỏa thuận thì theo mức lãi suất 10%/năm của số tiền còn phải thi hành án.
3. Kiến nghị, đề xuất.
 Qua phân tích ở trên, có thể thấy việc áp dụng án lệ số 08/2016/AL đang gây ra sự bất nhất trong việc giải quyết vụ án và không còn phù hợp, mâu thuẫn với quy định của pháp luật hiện hành cũng như “tinh thần” tại khoản 2, Điều 8 Dự thảo Nghị quyết Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi suất, phạt vi phạm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đang được đưa ra lấy ý kiến.
Vì vậy, căn cứ Điều 9 của Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP, tác giả kiến nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét hủy bỏ án lệ số 08/2016/AL.
-------------------------------
Luật sư Lê Xuân Cảnh - Công ty Luật Danalaw
Tạp chí Luật sư số 03/2018
https://lsvn.vn/kien-nghi-huy-bo-an-le-so-08-2016-al.html