Thứ Năm, 14 tháng 6, 2018

VẤN ĐỀ XÂM PHẠM QUYỀN RIÊNG TƯ CỦA CÁ NHÂN - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Quyền riêng tư là một trong những quyền cơ bản của con người và trong giai đoạn hiện nay quyền riêng tư đã trở thành một trong những quyền quan trọng nhất của quyền con người. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay quyền riêng tư vẫn đang bị xâm phạm một cách nghiêm trọng và ngày càng phổ biến. Vậy quyền riêng tư là gì ? Tại sao có sự xâm phạm quyền riêng tư đó ? Các biện pháp để bảo vệ quyền riêng tư ?
1.Các quan điểm về quyền riêng tư
- Ở Mỹ thì quyền riêng tư không được đề cập tới trong Hiến pháp nhưng lại là quyền do Tòa án và nhân dân trao cho các quan hệ hợp hiến. Yếu tố chính của quyền riêng tư là quyền được ở một mình trong nhà của mỗi người, an toàn trước mọi thế lực của chính phủ như lời phát biểu của Ngài William Pitt, Bá tước vùng Chatham, về quyền của người dân Anh được an toàn trong nhà mình (1763) :“Người nghèo nhất trong căn nhà tranh của mình cũng có thể thách thức mọi lực lượng của nhà vua. Căn nhà đó có thể tạm bợ - mái có thể bị lung lay - gió có thể thổi vào - bão có thể ập đến - mưa có thể rơi xuống - nhưng Đức vua của nước Anh không thể xâm nhập; tất cả các lực lượng của ngài không thể bước qua ngưỡng cửa của căn nhà lụp xụp đó”
  Khái niệm riêng tư, được hiểu là mỗi cá nhân được bảo toàn trước mọi sự tọc mạch, đảm bảo rằng mỗi hành động cá nhân hay việc riêng của mỗi người không bị phơi bày trước công chúng và không bị bình luận, là sản phẩm của thời đại công nghiệp. Sự riêng tư theo nghĩa hiện đại, liên quan rất nhiều tới tính cá nhân và nó là quyền của mỗi người, không phải của một nhóm người hay của xã hội. Nhà khoa học nghiên cứu về chính trị Rhoda Howard đã viết "Nếu không có sự riêng tư, một người không thể phát triển ý thức rằng tính cá nhân của con người là một giá trị thực chất mô tả vai trò xã hội của anh/cô ta". Điều ngược lại cũng đúng : Nếu không có ý thức về tính cá nhân, thì sẽ không thể có nhận thức về nhu cầu cần sự riêng tư.
  Sự riêng tư không phải tách biệt hay ly khai, mà nó là mong muốn tự thân của mỗi người được ở một mình hoặc với một vài người khác. Ví dụ, việc bị giam một mình trong nhà tù không phải là sự riêng tư nhưng đi dạo một mình hay cùng một người bạn trên các dãy núi phản ánh chính xác ý nghĩa của từ này.
- Ở nước ta, trong các quy định của pháp luật hiện nay không có khái niệm quyền riêng tư. Tuy nhiên, có thể xem quy định tại điều 73 Hiến pháp 1992 : “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu người đó không đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép. Thư tín, điện thoại điện tín của công dân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc khám xét chỗ ở, việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện tín của công dân phải do người có thẩm quyền tiến hành theo quy định của pháp luật” là cơ sở pháp lý cho việc xây dựng các văn bản pháp luật về quyền riêng tư và hoàn thiện pháp luật trong việc bảo vệ quyền riêng tư của công dân. Theo Thạc sĩ Thái Thị Tuyết Dung, giảng viên trường Đại Học Luật TP Hồ Chí Minh thì “Quyền riêng tư là quyền của các cá nhân được phép giữ kín những thông tin, tư liệu, dữ liệu gắn liền với cuộc sống riêng tư của mình, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, về nơi ở, về thư tín, điện thoại, điện tín và các thông tin điện tử khác mà không một chủ thể nào có quyền tiếp cận, công khai trừ trường hợp được chính người này đồng ý hoặc được bằng quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”
- Về nội dung của quyền riêng tư : Năm 2004, Tổ chức Quốc tế và trung tâm bảo mật thông tin điện tử có báo cáo “Quyền riêng tư và nhân quyền” với nội dung công bố về sự phát triển của pháp luật về bảo vệ sự riêng tư ở 50 quốc gia từ năm 1997. Theo đó, quyền riêng tư có các nội dung cơ bản sau :
Một là, sự riêng tư về thông tin cá nhân: bao gồm việc ban hành các quy tắc quản lý trong việc thu thập và xử lý các dữ liệu cá nhân như thông tin tín dụng, hồ sơ y tế và các hồ sơ của chính quyền lưu trữ về công dân đó. Nó còn được gọi là “bảo vệ dữ liệu”.
Hai là, sự riêng tư về cơ thể: liên quan đến việc bảo vệ thân thể (vật chất) của người dân đối với hình thức xâm hại như xét nghiệm di truyền, thử nghiệm ma túy và thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể.
Ba là, sự riêng tư về thông tin liên lạc: bao gồm bảo mật và riêng tư về thư từ, bưu phẩm, điện thoại, thư điện tử và các hình thức truyền thông khác.
Bốn là, sự riêng tư về nơi cư trú: liên quan đến việc ban hành các giới hạn đối với sự xâm nhập vào môi trường sống của cá nhân, nơi làm việc hoặc không gian công cộng. Điều này bao gồm tìm kiếm thông tin, theo dõi bằng video và kiểm tra giấy tờ tùy thân.
- Có nhiều quan điểm đồng nhất giữa khái niệm “quyền riêng tư” và “quyền bí mật đời tư” tuy nhiên cách hiểu trên là hoàn toàn sai lầm. Quyền riêng tư cũng liên quan đến cá nhân, tuy nhiên những vấn đề thuộc về riêng tư xét ở khía cạnh nào đó lại không được coi là bí mật, mặc dù pháp luật vẫn bảo hộ những quyền này. Chúng ta có thể thấy, pháp luật nói chung, pháp luật Việt Nam nói riêng luôn tôn trọng sự riêng tư của cá nhân (quyền bất khả xâm phạm chỗ ở, quyền lựa chọn công việc cho phù hợp với khả năng và điều kiện của bản thân, quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng…).
Còn quyền bí mật đời tư bao gồm các đặc điểm sau : (i) quyền được phép giữ kín những thông tin, tư liệu, sự kiện, hoàn cảnh liên quan đến đời tư của mình và không có nghĩa vụ phải công khai; quyền bất khả xâm phạm về thư tín, điện thoại, điện tín và các thông tin điện tử khác; (ii) cá nhân và các chủ thể khác không được tự ý tiếp cận và công bố các thông tin về đời tư cũng như không được kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các thông tin điện tử khác của cá nhân khi chưa sự đồng ý của “chủ sở hữu” hoặc sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, khái niệm “quyền bí mật đời tư” có phạm vi hẹp hơn “quyền riêng tư” và là một bộ phận của quyền riêng tư.
  1. Thực trạng xâm phạm quyền riêng tư ở Việt Nam hiện nay.
  1. Các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư theo pháp luật Việt Nam
x
* Các hình thức xâm phạm quyền riêng tư phổ biến hiện nay :
Một là, mối đe dọa lớn nhất đến quyền riêng tư là sự phát triển của báo chí. Các phương tiện truyền thông đại chúng không chỉ công khai những hoạt động của các nhân vật nổi tiếng mà còn phơi bày những “nhược điểm” của những người này, gia đình họ và qua đó cũng gây ảnh hưởng đến nhân phẩm, danh dự và đôi khi là sự nghiệp của họ.
Điển hình cho trường hợp này là việc ca sĩ Hồ Ngọc Hà kiện một số báo xâm phạm đời tư của cô, ngoài những thông tin sai sự thật thì nhiều thông tin cá nhân như đám cưới hụt, danh tính của những người thân trong gia đình, người yêu cũ…được công bố. Những thông tin này hoàn toàn là riêng tư của cá nhân Hồ Ngọc Hà và nếu không có lý do vì lợi ích công, báo chí chỉ được phép công bố khi được sự đồng ý của chính bản thân ca sĩ này. Tuy nhiên báo chí đã bỏ qua những quy tắc này và đã xâm phạm đến quyền riêng tư của cô.
Nghiêm trọng hơn là việc nhiều thông tin cá nhân của những người dân bình thường cũng bị báo chí đem lên mặt báo và không ít trường hợp đã gây nên hậu quả trực tiếp và ngay tức thì. Ví dụ như vụ đưa tin về các đám cưới đồng tính, hình ảnh cô dâu và chú rể, gia đình và địa chỉ được đăng lên một cách không “ngần ngại” và nhan nhãn trên các mặt báo. Sau đó, đã có trường hợp cô dâu và chú rể trong các bài báo đã cùng nhau bỏ nhà ra đi vì sự xoi mói của dư luận và sự đàm tiếu của hàng xóm xung quanh.
Đặc biệt, báo chí đã khai thác hết sức “triệt để” các vụ án hình sự liên quan đến các tội như giết người, xâm phạm tình dục đa số các bài báo đều đưa thông tin cá nhân, ảnh chụp chính diện và cả thông tin gia đình, địa chỉ của người bị hại. Nhiều trường hợp trong số này là trẻ em, đối tượng cần được sự bảo vệ khỏi dư luận tránh những ảnh hưởng tới sự phát triển về sau của trẻ.
Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do việc thiếu ý thức của người viết bài, sự thiếu hiểu biết về pháp luật của những người bị xâm phạm và tâm lý e ngại kiện tụng hoặc cho rằng “sự đã rồi” không nên làm to chuyện thêm nữa.
Hai là, “trộm cắp” thông tin cá nhân : Máy tính cá nhân và Internet ngày càng trở nên trở nên phổ biến một cách nhanh chóng như điện thoại và truyền hình. Internet được chào đón như một diễn đàn công cộng vĩ đại nhất từ trước đến nay và ở đó mọi người đều có thể lắng nghe nhau, không phân biệt giàu nghèo.
Những thông tin cá nhân về tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, nghề nghiệp, gia đình thậm chí là thông tin về tài sản của cá nhân bị các tin tặc xâm nhập và lấy đi không phải là chuyện hiếm thấy ở nước ta. Sự lỏng lẽo trong quản lý về an ninh mạng và sơ sài trong việc bảo mật thông tin khách hàng của các cơ quan, tổ chức đã tạo cơ hội cho các tin tặc hoạt động.
Đa số người dùng máy tính đều nói họ thường xuyên bị tấn công bởi các tin nhắn ngoài ý muốn trong hộp thư điện tử của mình và bởi hàng loạt các quảng cáo xuất hiện trên các trang chủ. Những thông tin cá nhân này sẽ được bán cho những công ty cần nó để nghiên cứu thị trường, tiếp thị sản phẩm hay cung cấp dịch vụ … Nguy hiểm hơn là không ít trường hợp các cơ quan, tổ chức, công ty đã “tự mình” cung cấp những thông tin của khách hàng cho những đối tác khác với nhiều mục đích khác nhau.   
 Ba là, tình trạng cha, mẹ xâm phạm quyền riêng tư của con cái đang ngày càng phổ biến. Ảnh hưởng của văn hóa phương Đông khiến nhiều bậc phụ huynh cho phép mình được quyền quản lý đến đời sống riêng tư của con cái và xem đó là sự quan tâm giành cho con cái. Những trường hợp như cha, mẹ xem “trộm” nhật ký, tin nhắn, blog hay facebook… của con cái với mong muốn hiểu hơn tâm lý, suy nghĩ và cả những chuyện kết bạn hay tình cảm trai gái là rất nhiều và không ít trường hợp đã gây “phản ứng ngược”  khi con trẻ phát hiện ra sự “xâm phạm” đó bằng nhiều cách khác nhau như không thèm trò chuyện với bố, mẹ hay cố gắng thoát khỏi sự kiểm soát đó bởi cảm thấy không được tôn trọng. Điều này vô hình chung ảnh hưởng đến sự phát triển tâm, sinh lý của trẻ và là một hành vi vi phạm quyền riêng tư của con trẻ.
Bốn là, thông tin về tình trạng của bệnh nhân bị “rò rỉ” : Trong 12 điều y đức do Bộ y tế ban hành năm 1996 thì tại điều 3 có quy định “Tôn trọng quyền được khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân. Tôn trọng những bí mật riêng tư của người bệnh…”. Sở dĩ như vậy là do tầm quan trọng, tính quyết định giúp cho thầy thuốc chẩn đoán và chữa trị cho bệnh nhân từ những thông tin bệnh nhân cung cấp. Khi nền Y học phát triển, những loại bệnh xã hội như bệnh lây nhiễm qua đường sinh hoạt tình dục, mang trong đó cả đạo đức, nhân phẩm của bệnh nhân trong quan hệ xã hội; các loại bệnh tâm thần, tâm lý, các stress do mối quan hệ trong gia đình cộng đồng thì thông tin có tính nghề nghiệp càng mang đặc tính riêng tư cao.
Trong thời đại công nghệ thông tin thì việc rò rỉ thông tin là khó tránh khỏi, tính riêng tư và bảo mật thông tin của bệnh nhân cũng không nằm ngoài mối đe dọa đó. Sự rò rỉ thông tin có thể là vô ý, thiếu kiến thức và hiểu biết về nghiệp vụ hoặc cố tình. Dù bất kỳ lý do nào, dưới mọi hình thức nào thông tin riêng tư của bệnh nhân được công bố ra ngoài mà không có sự ưng thuận của bệnh nhân, hoặc dưới một số quy định của luật pháp là có thể vi phạm quy định nghề nghiệp, vi phạm pháp luật hay cả hai.
Dù bị rò rỉ bởi lý do gì đi chăng nữa thì hậu quả của nó là không thể tránh khỏi, việc thông tin về bệnh tình của bệnh nhân bị công khai là nguyên nhân chính dẫn tới sự kì thị, hắt hủi của mọi người xung quanh với họ, đặc biệt là những người bị di truyền HIV. Điều này làm cho người bệnh bị bỏ rơi, thiếu sự động viên của những người xung quanh dẫn tới sự chán nản, có cảm giác bị hắt hủi và có những suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống và ngay cả khi chữa khỏi bệnh thì khả năng tái hòa nhập xã hội của họ vẫn là rất khó.
* Hiện nay, trên thế giới có 4 mô hình chính để bảo vệ quyền riêng tư và ở các nước bảo vệ quyền riêng tư hiệu quả nhất thì họ áp dụng cả 4 mô hình này.
- Ban hành một luật chung để điều chỉnh: Nhiều nước trên thế giới đã ban hành một luật chung để điều chỉnh việc thu thập, sử dụng và phổ biến các thông tin cá nhân của cả khu vực công và tư. Một cơ quan giám sát được thành lập để đảm bảo việc thực hiện.
- Ban hành các quy định pháp luật chuyên ngành: Một số quốc gia như Hoa Kỳ không ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu nói chung mà cho phép các cơ quan chuyên ngành ban hành các quy định pháp luật. Trong trường hợp này, việc áp dụng được thông qua một loạt các cơ chế. Một nhược điểm chính của phương pháp này là nó yêu cầu phải có văn bản pháp luật kịp thời để phù hợp với mỗi công nghệ mới để tránh sự tụt hậu.
- Ban hành Quy chế nội bộ của cơ quan: Về mặt lý thuyết, bảo vệ dữ liệu cũng có thể đạt được thông qua việc các công ty, cơ quan của các ngành công nghiệp tự ban hành các bảng quy định, xây dựng hệ thống ký hiệu riêng và tham gia vào quá trình giám sát với các hình thức khác nhau.
- Áp dụng công nghệ tự bảo vệ quyền riêng tư: Gần đây cùng với sự phát triển của hệ thống thương mại điện tử và công nghệ, có nhiều thiết bị được sử dụng để bảo vệ quyền riêng tư, ví dụ: mã hóa các máy chủ proxy và thanh toán trực tuyến.
Một số giải pháp cụ thể nhằm bảo vệ quyền riêng tư ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay :
- Đưa quyền riêng tư vào hiến pháp để tăng hiệu lực : Tại khoản 1 điều 23 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã có sự khác biệt so với điều 73, Hiến pháp 1992 ở chỗ quyền riêng tư đã được nhấn mạnh hơn, mở rộng hơn.
- Sớm đưa dự Luật bảo vệ quyền riêng tư vào chương trình xây dựng pháp luật trong thời gian tới nhằm tạo cơ sở pháp lý và quy định cụ thể hơn về việc bảo vệ quyền riêng tư
- Tuyên truyền pháp luật về quyền riêng tư kết hợp với việc giáo dục ý thức về tầm quan trọng cũng như những chế tài sẽ áp dụng đối với việc vi phạm quyền riêng tư cho mọi người dân.
- Tăng cường sự giám sát, quản lý của hệ thống an ninh mạng đối với quyền riêng tư của người sử dụng.
- Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quyền riêng tư, đặc biệt là đối với loại hình báo chí.
Tóm lại, vấn đề xâm phạm quyền riêng tư ở nước ta là rất nghiêm trọng  và để bảo vệ tốt hơn quyền con người nói chung và quyền riêng tư nói riêng đòi hỏi sự nỗ lực, chung sức của nhiều bên. Từ phía Nhà nước bằng việc tạo ra hành lang pháp lý vững chắc đến các cơ quan báo chí và giới truyền thông với ý thức đạo đức nghề nghiệp và sự đấu tranh của mọi công dân đối với các hành vi xâm phạm quyền riêng tư của mình.
Tài liệu tham khảo :
1. Quốc hội nước CHXHCNVN (1992 đã được sửa đổi bổ sung 2001), Hiến pháp nước CHXHCNVN, NXB Chính trị quốc gia.
2. Quốc hội nước CHXHCNVN (2005), Bộ Luật dân sự, NXB Chính trị quốc gia.
3. Dự thảo sửa đổi hiến pháp 2013
4. Thạc sĩ Thái Thị Tuyết Dung, Quyền riêng tư trong thời đại công nghệ thông tin, tạp chí nghiên cứu lập pháp số 9/2012
5. Thạc sĩ Vũ Thanh Vân, Quyền riêng tư và văn hóa ứng xử của nhà báo
6. Tiến sĩ Lê Đình Nghị, Bàn về khái niệm quyền bí mật đời tư, Tạp chí nghề luật số 4/2007
7. Melvin Urofsky, Individual Freedom and the Bill of Rights, pp. 76-121
---------------------------------------------
Lê Xuân Cảnh - Lớp K34B
Kỷ yếu Hội thảo khoa học trẻ tháng 05 năm 2013 - Khoa Luật Huế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét